Trong rất nhiều những bộn bè thở than của cõi người ta, Võ Thị Xuân Hà luôn tìm thấy câu chuyện để ker - hay chính tác giả toan gắn mình vào với những cuộc đời - tiểu thuyết kia để mà sắm vai người thuật lại như một niềm hạnh ngộ.
Võ Thị Xuân Hà là nữ nhà văn không còn xa lạ với nhiều bạn đọc với các tác phẩm truyện ngắn như Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Cổ tích cho tuổi học trò, Bầy hươu nhảy múa, Đêm nhiệt đới, Gió vẫn thổi qua cánh đồng bên sông, Lúa hát, Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Chuyện của con gái người hát rong, Cà phê yêu dấu…
Các tập truyện dài như Chiếc hộp gia bảo, Chuyện ở rừng Sồi, tiểu thuyết Tường thành, Trong nước giá lạnh. Năm 2019 mới đây, chị ra mắt tập truyện ngắn ấn tượng Chuyện của các nhân vật có thật trên đời (NXB Trẻ) Bút pháp của Võ Thị Xuân Hà là khối không gian đa chiều, nó làm cho người đọc phải dán mắt vào các dòng chữ, các ký tự, rồi phải suy ngẫm, nghĩa là phải đọc chậm. Để nhận ra những tầng ngữ nghĩa cốt truyện.
Chỉ sau vài tháng, khi đại dịch Covid-19 tạm thời được kiểm soát, nhà văn tiếp tục xuất hiện cống hiến cho cộng đồng bạn đọc tập truyện ngắn mới Hoàng mộc hương Trong những lời bình về truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà, nhà Lí luận Phê bình Bùi Việt Thắng viết: “Chúng tôi tâm đắc với ý, cho rằng, “sự biến ảo” làm nên màu sắc của nhà văn này, người đã sớm biết đầu tư chiều sâu và dài lâu cho “thể loại nhỏ”. Thiết nghĩ, đánh dấu độ chín của cây bút nữ này, có thể nói là thuộc số ít “trụ hạng” được với truyện ngắn.
Chúng tôi có cảm giác nguồn lực truyện ngắn Võ Thị Xuân Hà lúc nào cũng dồi dào, hình như chỉ có viết chị mới giải phóng được năng lượng sống lúc nào cũng như đầy ứa, tràn trề.” Với đề tài về rừng núi, Võ Thị Xuân Hà khiến cho người đọc trầm mình theo bước chân nhân vật để biết được loài Hoàng mộc hương nở hoa, để biết được những câu chuyện nơi Biên ải ngàn trùng. Bên thềm gạch cũ khiến người đọc nghẹn lòng với một đám cưới âm mà người mẹ già làm cho người con trai liệt sĩ hi sinh nơi biên giới. Có những sắc thái hào hùng của chiến thắng trong Mừng chiến thắng.
Có sự xuất hiện của những linh hồn đã hi sinh bảo vệ biển đảo trong Những bức thư gửi từ biển, một truyện ngắn mà nhà văn từng bộc bạch, chị đã viết trên con tàu ra Trường Sa thực tế. Có cảnh báo sự thay đổi khôn lường trong xã hội ở Ẩn sĩ và người đàn bà giấu mặt. Có sự kì bí xa xót và đầy bi kịch trong cuộc sống chưa được khám phá hết của những tộc người miền cao, mang tính tâm linh như Đoạn trường thảo kiêu hãnh. Bạn đọc sẽ đi theo bước chân của cô gái tên Miên trong Đêm dài, với bi kịch mà cô phải gánh trong số phận khi yêu thương người lính với những vết thương chiến tranh không thể lấp đầy sau hòa bình. Những góc nhìn mới mẻ và đầy nhân văn trong cuộc sống những người Lính cứu hỏa.
Nhà văn kể, đêm No-en 2019, trong chị thôi thúc để viết truyện ngắn Thiên Hạ Thái Bình. Đến khi có đại dịch covid-19 lan rộng toàn cầu, đọc truyện này, thấy dường như có sự mách bảo chị hãy viết cho một thế giới thái bình. Đặc biệt ở tập truyện ngắn này, lần đầu tiên nhà văn công bố Câu chuyện của Nàng Thê, một câu chuyện về cõi kiếp đã từng được nhiều bạn đọc đón đọc trên trang facebook của chị. Và đã từng có Hội
Những người hâm mộ Nàng Thê, trang fanpage có nhiều hội viên tham gia, tôn vinh nhân vật nàng Thê, một nhân vật kỳ linh lỳ ảo và điển hình cho hình ảnh người phụ nữ tài sắc nước Việt.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã bình về Muôn ngàn hạt châu, một truyện ngắn trong tập (tiếp theo motip Hoàng mộc hương nở hoa) như sau:
Đọc hết truyện ngắn này lần thứ hai thì tôi nhận thấy: Toàn bộ câu chuyện thật ra là hương thơm của một loài hoa. Mùi hương ấy mơ hồ, thanh tao, nồng nàn và bí ẩn. Tôi chỉ cảm thấy hương thơm ấy chứ không thể nào gọi tên nó một cách rành mạch, càng không thể nào giữ được nó. Nó giống như một điều gì đó trong cuộc sống thường nhật của con người vừa hiện hữu lại vừa vô hình. Nó làm cho ta yêu cuộc sống này hơn nhưng lại không sở hữu cho riêng mình được. Và tôi nghĩ, nếu ta có ý định sở hữu thì nó lại biến mất như chưa từng có. Đó là cách mà tôi nhận thấy một trong những thông điệp của câu chuyện. Có được cảm giác này trong đời sống phải là người thấu hiểu đời sống tầng tầng lớp lớp. Viết ra được cái cảm giác lạ lùng này quả thực là quá tài.
Mời độc giả đón đọc tập truyện ngắn Hoàng mộc hương với tâm thức mở trong không gian đa chiều của cây bút nữ tên tuổi Võ Thị Xuân Hà.
Không khóc ở Seoul gồm 11 truyện ngắn đặc sắc của Võ Thị Xuân Hà, được một số nhà văn và chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc tuyển chọn và xin phép tác giả dịch sang tiếng Trung. Có những truyện viết đã lâu, có những truyện mới ra gần đây. Đều là những truyện viết về phụ nữ Việt. Có thể trong con mắt của những người nước ngoài, chuyện về nước Việt chính là chuyện của những người đàn bà.
Tuy là những truyện ngắn rời, nhưng tập sách như một cuốn phim thu lại khá đầy đủ các sắc diện lịch sử cận hiện đại Việt Nam, mà trong đó, người phụ nữ luôn là vai chính, dẫu chỉ quan sát hay trực tiếp dự phần, họ hiện lên sống động, rất đời, người đọc có thể nhìn thấy họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống quanh mình. Một bà ngoại điên thầm thì trò chuyện với những đứa con liệt sĩ giờ chỉ còn là gió thoảng bên hè; một cô con dâu đầy sức mạnh dục tính lại có mối quan hệ không dễ diễn tả với người anh chồng đã khuất; những cô bé trong sáng phút chốc vì thành kiến của thời đại mà lạc mất tình yêu đầu đời; những đàn bà đắm chìm trong hạnh phúc đơn điệu và có phần mù quáng mà không thể tự biết giá trị bản thân; những cô gái quay cuồng mưu sinh nơi xứ lạ; những bám víu tuyệt vọng vào thế giới tâm linh bí ẩn của đàn bà đổ vỡ Có thể thấy mạch sống chảy tràn mãnh liệt trong từng truyện ngắn của Võ Thị Xuân Hà, như sức mạnh vô hình mà bền bỉ của người phụ nữ Việt. Trong cuộc đời và thân phận người phụ nữ Việt, có thể cảm nhận đậm nét hồn cốt dân tộc và thấp thoáng vóc hình đất nước. Rất giản dị và tự nhiên, với giọng văn tinh tế và rất đẹp, bằng một kỹ thuật viết chặt chẽ và nhuần nhuyễn, trong tập truyện ngắn này của Võ Thị Xuân Hà, một phần lịch sử xã hội mang đầy đủ ý nghĩa nhân sinh phức tạp hiện ra sâu sắc và xuyên thấm vào người đọc, khiến họ cảm và nghĩ đa chiều hơn, có tầm bao quát hơn.
Giọng văn ấy đã chinh phục được trái tim của không chỉ độc giả trong nước mà còn cả các độc giả nước ngoài, và trong phạm vi cuốn sách này, bên cạnh bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Phụ nữ xin được giới thiệu mười một bản dịch sang Trung văn, được các dịch giả người Trung Quốc tuyển dịch. Các bản dịch được chau chuốt kĩ lưỡng và ngữ nghĩa chuẩn xác, cố gắng bảo lưu tối đa hành văn và phong cách của tác phẩm gốc. Trong tủ sách phục vụ việc học tiếng Trung Quốc hiện nay, Không khóc ở Seoul không chỉ là một tập truyện ngắn bình thường, mà thực sự là một tài liệu hiếm hoi và hữu ích đối với những người dạy và học tiếng Trung Quốc, bởi từ trước đến nay đa phần chỉ có tác phẩm dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt, mới có rất ít tác phẩm được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung, lại càng chưa có tác phẩm song ngữ nào được xuất bản. Hi vọng Không khóc ở Seoul sẽ được độc giả của cả hai nước đón nhận và trở thành một trong những tác phẩm đi tiên phong trong việc giới thiệu văn học Việt Nam đến với bạn đọc quốc tế.
Tải PDF tài liệu học tập đang trở thành lựa chọn phổ biến cho sinh viên và người đi làm nhờ tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Tài liệu PDF cung cấp nhiều nội dung từ sách PDF, tài liệu nghiên cứu, đến giáo trình chuyên ngành, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và truy cập trên các thiết bị số. Việc sử dụng tài liệu PDF không chỉ giúp tăng cường kiến thức mà còn hỗ trợ học tập và làm việc hiệu quả hơn.