Australia - Miền Thương Miền Nhớ
Australia trong mắt những cựu du học sinh theo chương trình Học bổng chính phủ Úc là một nỗi nhớ bất tận, những ký ức đẹp, khó phai. Những thế hệ sinh viên Học bổng Chính phủ Australia từng sống và học tập, nghiên cứu ở Úc khi trở về đã và đang giữ những trọng trách quan trọng, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam đều mang theo nhiều hoài niệm. Đó không chỉ là những giờ học tập, nghiên cứu ở thư viện, giảng đường đi thực địa ở địa phương, cơ sở, mà còn là hành trang về tư duy, cách sống, ý thức và sự nhân văn trong cách sống của con người và xã hội Úc.
Cuốn sách “Australia – Miền thương miền nhớ” tái hiện lại chặng đường từ làng quê, đến thành thị và vượt đại dương sang Úc du học của tác giả. Dù gắn bó với Úc ngắn hay dài, nhưng ký ức về những buổi sớm bên bờ biển, bãi biển dài bất tận, những công trình kiến trúc cổ, những công viên, bãi cỏ xanh mát, văn hóa xếp hàng, cách giao tiếp lịch thiệp, ân cần, lịch sự vẫn còn in đậm trong lòng tác giả. Cô tin rằng tất cả các thế hệ sinh viên Việt Nam từng gắn bó, học tập và làm việc tại Úc, những ai đã từng đặt chân đến nước Úc cũng đều chung miền ký ức, chung cảm nhận “Australia – miền thương miền nhớ” đó.
Ngoài ra, xuyên suốt qua những trang sách, bạn cũng sẽ biết thêm một số bí quyết, kinh nghiệm trong hành trình khám phá qua những chuyến du lịch bụi của tác giả ở tận châu Âu, ở miền quê nước Pháp, ngược về miền đảo xa Tasmania, Úc, hay đến thăm những làng quê đặc trưng tại Thái Lan.
Tác giả hy vọng, những dòng chia sẻ tận đáy lòng này sẽ là động lực để các bạn trẻ, những người còn đang loay hoay, bị mất niềm tin vào cuộc sống, gặp khó khăn trong học tập hoặc công việc sẽ có cái nhìn khác hơn về cuộc sống, lạc quan hơn về cuộc đời mình cũng như tìm được sự đồng cảm để có thể bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
MỤC LỤC:
Lời mở đầu
1. Tết đầu tiên trên đất Úc
2. Những chuyện nhỏ bên đường nước Úc
3. Kể chuyện chăm lo cho trẻ em ở Úc
4. Khoe con
5. Adelaide chiều nay... Tiếng đàn
6. Nồng nàn vang Úc trên đồi Adelaide
7. Tản mạn chuyện nâng ly ở Úc
8. Tasmania, ấn tượng một lần đến
9. Khám phá bệnh viện dơi Tolga và làng nghỉ hưu của quỷ Tasmania
10. Niềm riêng với những hàng rào xinh nước Úc
11. Câu chuyện nước Úc và những chú ngựa
12. Những thùng thư và sự sáng tạo của người Úc 1
13. Phòng chống cháy nổ và vài chia sẻ từ nước Úc
14. Cánh bưu thiếp từ New Zealand
15. Dấu ấn “Condom”
16. Du xuân đến ngôi làng mèo La Romieu, nước Pháp
17. Đến Thái Lan ngắm sắc đen huyền bí ở Thai Song Dam
18. Tôi và câu chuyện trở về
19. Thương nhớ trăng quê
20. Sau những chuyến đi
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
Với mỗi người con đất Việt, những ngày Tết Nguyên đán, được sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình mới là cái Tết trọn niềm vui nhất. Song không phải ai cũng có được điều quý giá ấy. Dẫu đã trải qua nhiều cái Tết xa nhà khi còn ở Việt Nam, nhưng việc đón Tết tại xứ sở kangaroo vào mùa xuân năm Nhâm Thìn 2012 với tôi, luôn là một kỷ niệm sâu sắc, là những trải nghiệm khó quên và mỗi lần nhớ lại, tôi luôn bùi ngùi, xúc động.
Quê hương trên đất khách
Việc đạt được suất học bổng phát triển ADS của Chính phủ Australia đã đưa tôi đến đất nước xinh đẹp này vào những ngày tháng Chạp về cùng những cơn gió chướng vừa đi qua. Ngày tôi rời Việt Nam lên đường sang Úc du học rơi đúng vào dịp 23 tháng Chạp, ngày tiễn đưa ông Táo về trời, là ngày đánh dấu những hoạt động chuẩn bị cho Tết bắt đầu.
Khởi đầu cho hành trình du học tại đây, tôi đã chọn hình thức ở chung với người bản địa (Homestay) thông qua lời giới thiệu của trang web tại trường nơi tôi sẽ theo học, bởi tôi muốn học thêm về ngôn ngữ, văn hóa của người Úc. Sau mười mấy tiếng đồng hồ vật vã trên hai chặng bay dài, tôi được gia đình cô chủ nhà (host) ra tận sân bay đón, để bắt đầu những chuỗi ngày học tập của mình tại thành phố Adelaide, bang Nam Úc.
Với những du học sinh lần đầu tiên đón Tết xa quê hương, lại mới chân ướt, chân ráo đặt chân qua xứ người như tôi, thời điểm những ngày cận Tết có lẽ không tránh khỏi phút giây chạnh lòng, nhớ nhung và cô đơn. Những bãi biển đẹp, phong cảnh nên thơ cùng những con người hiền hòa ở đây vẫn không sao khỏa lấp hết nỗi nhớ nhà, nhớ làng quê, gia đình cùng không khí Tết ở Việt Nam. Cồn cào. Da diết. Ôi, Tết tha hương. Tôi thèm một cảm giác cùng mẹ rim mứt dừa, làm bánh tráng gạo mỏng béo ngậy nước cốt, một loại bánh đặc trưng ngày Tết ở Bến Tre quê mình. Tết quê trong trí nhớ của tôi còn là những chuỗi ngày tất bật phụ giúp ba bên những luống rau xanh chuẩn bị cho vụ Tết. Trên đồng, hai cha con cùng nhổ cỏ, cắt rau, vác vội lên những chuyến xe chở hàng về phố hoặc mang ra bỏ mối cho các bà, các dì bán phiên chợ cuối cùng của năm. Tôi nhớ đến nao lòng những đêm giao thừa, khi chị em tôi đang canh lửa cho nồi bánh tét thì thấy dáng mẹ cứ lúi cúi bên cái lu sành đặt ngay mép con rạch nhỏ, lúc lại hì hụi bên khoảng sân trống sau nhà để chuẩn bị đầy đủ nước dùng, củi đun trong những ngày Tết. Những cung bậc cảm xúc đó vẫn vẹn nguyên trong tôi như một miền ký ức không thể quên, không thể phai nhạt, dẫu thời khắc ấy, tôi đang ở xa quê hương mình hàng ngàn cây số.
Đại sứ ẩm thực ngày Tết
Với nhiều người nước ngoài, ngày xuân ở Việt Nam luôn chứa đựng nhiều điều lạ lẫm và lý thú. Tết năm ngoái cũng là dịp tôi giới thiệu các món ăn truyền thống của Việt Nam đến vợ chồng cô Susan và chú Richard, chủ nhà tôi đang ở. Ngày cuối cùng của năm rơi vào đúng dịp cuối tuần, nên tôi đã cùng cô đi đến khu chợ châu Á tại trung tâm thành phố để mua những nguyên liệu chế biến các món ăn Việt Nam. Đau đầu suy nghĩ. Loay hoay kiếm tìm. Tôi muốn giới thiệu đến vợ chồng cô một món gì đó mang đậm hương vị Việt Nam và chế biến không quá cầu kỳ, bởi thật sự tôi chưa tự tin lắm với khả năng bếp núc của mình. Bữa cơm ngày cuối năm ở nhà cô do chính tay tôi nấu có sự trợ giúp đặc biệt từ cô, bởi cô muốn học hỏi về văn hóa, ẩm thực của Việt Nam. Món gỏi cuốn cho bữa trưa và canh khổ qua hầm, thịt kho trứng ăn kèm dưa leo, cà chua (do tôi không làm kịp món dưa giá) cho bữa tối được tôi coi là bữa ăn mang đậm hương vị Việt Nam trong một gia đình người Úc.
Vợ chồng cô Susan ngạc nhiên với món thịt kho trứng (hay thịt kho nước dừa) và canh khổ qua hầm, những món ăn phổ biến vào dịp Tết với hầu hết các gia đình quê tôi. Tôi kể cho cô nghe ý nghĩa của việc ăn canh khổ qua hầm vào dịp này. Chồng cô dù nhăn mặt với mùi nước mắm, nhưng rồi lại tấm tắc với mùi thơm của thịt, của trứng cùng hương vị đặc trưng của bát thịt kho. Tôi hồi hộp lắm khi thức ăn được bày ra. Và tôi sung sướng vô cùng khi nhận được những lời khen tặng. Vui nhất là tôi đã giới thiệu được nét văn hóa ẩm thực của quê hương mình, còn cô cũng thấy thú vị khi cảm nhận được hương vị món ăn, gia vị vừa phải, thanh đạm. Cô cũng biết thêm đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam chính là sự hòa quyện của sự cân bằng âm dương, hàn nhiệt, của triết lý ngũ hành. Xen lẫn câu chuyện của chúng tôi trong bữa tối là lời kể về những phong tục ngày Tết, về mâm ngũ quả, bánh tét, bánh chưng, hoa mai, hoa đào, dâng lễ ông bà tổ tiên và tục mừng tuổi, hạ nêu... Dù vậy, bữa cơm mang hương vị Việt Nam giữa quê người vẫn không thể ngăn nổi những dòng nước mắt trên má tôi ngay đêm giao thừa. Tết tha hương là như thế đó.
Thời gian cứ vùn vụt đi qua. Năm nay lại thêm một cái Tết tha hương trên đất nước Australia. Việt Nam ơi, có ai bán một mùa Tết cho tôi?
Tải PDF tài liệu học tập đang trở thành lựa chọn phổ biến cho sinh viên và người đi làm nhờ tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Tài liệu PDF cung cấp nhiều nội dung từ sách PDF, tài liệu nghiên cứu, đến giáo trình chuyên ngành, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và truy cập trên các thiết bị số. Việc sử dụng tài liệu PDF không chỉ giúp tăng cường kiến thức mà còn hỗ trợ học tập và làm việc hiệu quả hơn.