Nhà Văn Nhật Bản Thế Kỷ XX
Thế kỷ XX, văn học Nhật Bản nở rộ nhiều tài năng và đạt được những tầm cao mới không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới. Đây là một nền văn học có truyền thống lâu đời. Nhiều thế hệ nhà văn kế tiếp nhau đã tạo nên một diện mạo văn chương Nhật Bản đặc thù. Học hỏi phương Tây mà không đánh mất bản sắc là một trong những tiêu chí sống còn để cách tân văn chương, người Nhật đã làm rất tốt điều này so với phần còn lại của thế giới.
Trong ý thức xây dựng một bộ mặt văn chương mang tầm cỡ nhân loại, người Nhật rất xem trọng việc phổ biến văn học Nhật ra thế giới. Không chỉ các nhà văn Nhật sống và làm việc ở nước ngoài đảm nhận nhiệm vụ này, mà chính phủ Nhật cũng đầu tư thích đáng để đưa các tác phẩm tiêu biểu của họ đến với bạn đọc năm châu. Có thể nói, hầu hết những tác phẩm xuất sắc của Nhật đều được chuyển dịch sang tiếng Anh, thứ ngôn ngữ hiện đang được sử dụng toàn cầu. Nhiều tác phẩm văn học Nhật được dịch ra tiếng Việt cũng từ tiếng Anh. Người Nhật đã có sự kế thừa và phấn đấu vì một nền văn chương Nhật bền bỉ và liên tục. Đầu thế kỷ XX, ta thấy nổi lên Tanizaki, Akutagawa, giữa thế kỷ là Kawabata, Mishima, Oe; cuối thế kỷ là Murakami Haruki, Banana Yoshimoto, Murakami Ryu,… những nhà văn này lại tiếp tục tỏa sáng sang thế kỷ XXI.
Thành tựu dễ thấy của nhà văn Nhật Bản là sự gắn kết mật thiết với xứ sở. Truyền thống Nhật luôn bỏng cháy trên trang sách của bất cứ nhà văn xứ Phù Tang nào. Thậm chí ngay đến một người từng rời xa nước Nhật như Kazuo Ishiguro, khi được trao giải Nobel văn chương 2017, người ta cũng ghi nhận căn tính Nhật trong sáng tác của ông.
Những giá trị và đóng góp của văn học Nhật Bản cho nhân loại đến nay thì khỏi phải bàn. Họ quá mạnh so với phần còn lại của châu Á, tuy dân số của họ chỉ ở mức khiêm tốn khi đặt tương quan với Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia… Nếu tính cả nhà văn Anh gốc Nhật, thì Nhật Bản đã được trao tặng ba giải thưởng Nobel văn học. Chưa hết, cần phải kể đến Murakami Haruki hay Banana Yoshimoto như những ứng viên tiềm năng cho các Nobel văn học tiếp theo.
Với nền dân chủ tiến bộ bậc nhất nhân loại theo kiểu Mỹ, người dân Nhật Bản được giáo dục theo tinh thần khai phóng, đề cao vai trò và ý thức cá nhân, chấp nhận cạnh tranh lành mạnh, xã hội tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy hết tiềm năng vốn có của mình,… kết quả là trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương nói riêng, người Nhật đã hình thành được một đội ngũ nhà văn đa phong cách với năng lực sáng tạo phi thường. Có thể nói, ở những chừng mực nhất định, thế giới có những xu hướng nghệ thuật tiên phong gì thì ở Nhật cũng đều có các xu hướng đó. Nhà văn Nhật, với tố chất Á Đông bền bỉ, khiêm nhường, và không ngừng học hỏi, đã thể hiện những quan sát và cách sử dụng ngôn từ độc đáo, làm ngây ngất trái tim của triệu triệu bạn đọc khắp năm châu.
Không chỉ là thơ Haiku, là tiểu thuyết Truyện Genji, người Nhật còn có một Akutagawa bất hủ với truyện ngắn Trong rừng trúc, một câu chuyện khi được chuyển thể thành phim đã lập tức trở thành kinh điển cho mọi thời đại. Ngoài ra, Kawabata hay Murakami,… những cái tên với số lượng sách phát hành hàng triệu bản, luôn xuất hiện trong các công trình nghiên cứu của các phê bình gia nổi tiếng của nhân loại, thì chẳng ai có thể phủ nhận tài năng.
Người Nhật là vậy. Họ biết đâu là điểm mạnh và đâu là điểm yếu của mình. Họ sẵn sàng học hỏi những điều tốt đẹp ngay cả khi điều đó thuộc về kẻ thù. Còn nhớ, trong Thế chiến thứ hai, Mỹ là kẻ thù tàn hại nước Nhật, nhưng sau chiến tranh, người Nhật bỏ qua ngay thù hận, học hỏi cách quản lý đất nước ưu việt và kết quả là nước Nhật đã bước ra khỏi bóng tối, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới trong suốt thời gian dài.
Cần lưu ý, nhà văn Nhật học hỏi thế giới, không có nghĩa họ đánh mất đi bản sắc của mình. Cái được gọi là “bản sắc” thì sẽ luôn đập cùng nhịp tim, vận động cùng trong huyết quản của bất kỳ ai biết nói thứ tiếng mẹ đẻ của mình. Mọi sự học hỏi của bất kỳ tầng lớp trí thức ngôn từ nào thì đích cuối cùng cũng chỉ để làm giàu cho nền văn chương quốc nội. Chỉ có kẻ u mê mới khư khư bám lấy cái mình cho là chân lý, không chịu giao lưu với thế giới bên ngoài, luẩn quẩn trong mớ tri thức thủ cựu mà cứ nghĩ là vốn tri thức thánh hiền vĩnh cửu muôn đời.
Văn học Nhật đã được đưa vào nhà trường Việt Nam. Ở phổ thông, học sinh được dạy về thơ Haiku. Lên bậc đại học, sinh viên ngành Ngữ văn được tiếp xúc với nền văn học Nhật qua nhiều tác gia tiêu biểu. Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học và khóa luận tốt nghiệp về văn học Nhật của sinh viên ước tính có tới hàng ngàn công trình lớn nhỏ trên cả nước. Số lượng đề tài luận văn thạc sỹ thì có đến cả trăm. Luận án tiến sỹ thì đã có sáu đề tài bảo vệ thành công:
Nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm của Yasunari Kawabata của Đào Thị Thu Hằng bảo vệ năm 2006. Đây là luận án tiến sỹ về văn học Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam do GS. Hà Minh Đức hướng dẫn.
Thơ Haiku Nhật Bản - Lịch sử phát triển và đặc điểm thể loại của Nguyễn Vũ Quỳnh Như, bảo vệ năm 2013, do PGS. TS. Lê Giang hướng dẫn.
Yếu tố hậu hiện đại trong tiểu thuyết của Haruki Murakami của Lê Thị Diễm Hằng, bảo vệ năm 2014, do PGS. TS. Trương Đăng Dung hướng dẫn.
Ảnh hưởng của Manga Nhật Bản đến học sinh phổ thông tại thành phố Hà Nội của Hạ Thị Lan Phi, bảo vệ năm 2017, do PGS. TS. Đinh Thị Vân Chi và PGS.TS. Phạm Hồng Thái hướng dẫn.
Mỹ cảm aware trong văn học Nhật Bản qua tiểu thuyết “Truyện Genji” của Murasaki Shikibu và “Ngàn cánh hạc” của Kawabata Yasunari của Hoàng Thị Mỹ Nhị, bảo vệ năm 2018, do GS.TS. Nguyễn Đức Ninh hướng dẫn.
Nghệ thuật kể chuyện trong tiểu thuyết của Haruki Murakami của Đặng Phương Thảo, bảo vệ năm 2018, do GS.TS. Lê Huy Bắc và TS. Đào Thị Thu Hằng hướng dẫn.
Ngoài ra, còn bốn đề tài tiến sỹ về văn học Nhật đang được thực hiện ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Về văn học Nhật, những thành tựu nghiên cứu trường quy ở Việt Nam rất đáng ghi nhận, nhưng ở lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu thì chưa có nhiều công trình. Đến nay, ước tính có chưa đến mười cuốn chuyên luận về văn học Nhật được lưu hành. Con số này quả là quá khiêm tốn khi so với các công trình nghiên cứu về văn học Pháp, Mỹ, Nga ở Việt Nam. Tình hình đó đòi hỏi giới nghiên cứu nỗ lực thêm nữa để đưa văn học Nhật đến với bạn đọc Việt Nam. Cuốn sách này ra đời trong bối cảnh đó.
Chưa thể bao quát hết tất cả các nhà văn Nhật thế kỷ XX, chúng tôi bước đầu chỉ tập trung vào 8 tác giả tiêu biểu. Thêm nữa, vẫn còn nhiều chỗ chưa thể bàn kỹ được. Hy vọng sẽ trở lại vấn đề này trong thời gian không xa.
Chuyên luận được hình thành trên cơ sở nghiên cứu của đề tài cấp Bộ Đặc trưng văn xuôi Nhật Bản hiện đại thế kỷ XX, mã số B.2015-17-64. Nhân dịp cuốn sách ra mắt bạn đọc, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. Rất mong nhận được những góp ý chân thành từ Quý độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn khi có điều kiện tái bản.
Hà Nội, 18 tháng 8 năm
Tải PDF tài liệu học tập đang trở thành lựa chọn phổ biến cho sinh viên và người đi làm nhờ tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Tài liệu PDF cung cấp nhiều nội dung từ sách PDF, tài liệu nghiên cứu, đến giáo trình chuyên ngành, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và truy cập trên các thiết bị số. Việc sử dụng tài liệu PDF không chỉ giúp tăng cường kiến thức mà còn hỗ trợ học tập và làm việc hiệu quả hơn.