Lợi Ích Sức Khỏe Từ Dừa
Hãy cùng khám phá những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của dầu, cùi, sữa và nước dừa. Trong cuốn sách này, bạn sẽ tìm hiểu lý do tại sao dầu dừa được coi là loại dầu lành mạnh nhất trên trái đất và cách nó có thể bảo vệ bạn khỏi bệnh tim, tiểu đường và các bệnh truyền nhiễm như cúm, herpes, nấm Candida…
Sức mạnh chữa bệnh của dừa không chỉ nằm ở dầu dừa. Bạn cũng sẽ tìm hiểu về những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của cùi, sữa và nước dừa. Bạn sẽ tìm hiểu lý do tại sao nước dừa được sử dụng làm dung dịch truyền tĩnh mạch và cách cùi dừa có thể bảo vệ bạn khỏi ung thư ruột kết, điều hòa lượng đường trong máu và loại bỏ ký sinh trùng đường ruột. Cuốn sách gồm hàng chục nghiên cứu trường hợp hấp dẫn và những câu chuyện thành công đáng chú ý.
Cuốn sách này sẽ giúp bạn biết cách sử dụng dừa để:
- Ngăn ngừa bệnh tim và đột quỵ
- Cân bằng lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Tăng cường năng lượng và thúc đẩy quá trình trao đổi chất
- Giảm lượng mỡ thừa trong cơ thể
- Tiêu diệt vi khuẩn, vi-rút và nấm gây bệnh
- Giảm các triệu chứng liên quan đến hội chứng ruột kích thích và bệnh Crohn
- Bảo vệ làn da khỏi tác hại của các gốc tự do gây ra lão hóa sớm…
Bác sĩ Conrado S. Dayrit, thành viên Hội Tim mạch Hoa Kỳ (FACC) đã chia sẻ trong lời nói đầu của cuốn sách về lợi ích của dầu dừa như sau: “Nếu triglyceride chuỗi trung của dầu dừa tốt cho trẻ sinh non, trẻ sơ sinh và trẻ em, tốt cho người đang dưỡng bệnh, người già và vận động viên thì sao dầu dừa có thể không tốt được”. Quan sát thú vị của bác sĩ Bruce Fife đưa ông vào con đường tìm kiếm và cuối cùng nhận ra sự thật về dầu dừa, được ẩn giấu trong các tập san y học mà không mấy bác sĩ đọc. Trong cuốn sách này, cuốn thứ tư của Fife về những ưu điểm của dừa, ông đi sâu vào các tác dụng của dừa đối với sức khỏe, đặc biệt là của dầu dừa và khả năng chữa bệnh của nó.
Đặc tính quan trọng nhất của dầu dừa: vừa là thực phẩm vừa là kháng sinh, bổ trợ hệ miễn dịch, điều tiết hoạt động và các cơ chế phòng vệ của cơ thể. Dầu dừa phục hồi sự cân bằng trong các mô “bất thường”.
Dầu dừa là thực phẩm giàu dinh dưỡng, an toàn và có thể được sử dụng gần như thoải mái. Nó không chỉ là nguồn năng lượng, dinh dưỡng mà còn tăng khả năng hấp thu các thực phẩm khác, đặc biệt là các vitamin hòa tan trong chất béo (A, D, E và K) và các vi khoáng chất (canxi, magie, sắt).
Dầu dừa cũng là một loại thuốc không độc hại, bảo vệ cơ thể khỏi các mầm lây bệnh (vi-rút, vi khuẩn, men, nấm, động vật đơn bào, giun) bằng cách tiêu diệt chúng. Điều này thể hiện dầu dừa là một kháng sinh có độ phủ rộng nhất, tác động lên tất cả các loại mầm bệnh. Nó không gây ra tác dụng phụ có hại, chưa hề có dấu hiệu kháng kháng sinh. Thật là món quà đặc biệt từ Thiên Nhiên!
Chưa dừng lại ở đó, dầu dừa là một chất điều hòa miễn dịch, điều tiết phòng vệ, điều tiết chức năng. Nó giúp cơ thể hoạt động, trao đổi chất, có sức đề kháng và chữa lành tốt hơn. Các bệnh mạn tính như tiểu đường, hen suyễn, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, thấp khớp, Alzheimer, các bệnh tự miễn như Crohn, vảy nến, Sjogren, thậm chí cả ung thư, đều thuyên giảm và dễ điều trị hơn rất nhiều, trong khi các biện pháp điều trị phổ biến chỉ được dùng ở liều thấp hoặc thậm chí ngưng sử dụng. Tất cả các tình trạng bệnh lý này đều mang tính chất viêm nhiễm.
Viêm nhiễm, đặc trưng bởi các tế bào bạch cầu tập trung hoặc bị xáo trộn ở vùng viêm, là cơ chế phòng vệ hoặc tái cơ cấu và chữa lành của cơ thể. Khi quá trình này diễn ra suôn sẻ, viêm nhiễm sẽ tự hết, nhưng nếu không thành công (thường là vậy), viêm nhiễm sẽ kéo dài, trở thành mạn tính và cuối cùng trở thành bệnh lý, gây nên các triệu chứng và biến chứng.
Vậy, phải điều trị như thế nào? Đầu tiên, ta nghiên cứu nguyên nhân bệnh và khắc phục nếu có thể. Đa số trường hợp, chúng ta không thành công và chỉ điều trị triệu chứng; chúng ta cũng cố gắng giảm thiểu quá trình viêm nhiễm (Vioxx đã thử phương pháp này, gây viêm nhiễm ở vùng khác và đã bị thu hồi khỏi thị trường). Quá trình viêm nhiễm của cơ thể là sự mất cân bằng rất phức tạp (hoạt động bất thường) của các cơ chế thuận và chống, các chất thuận và chống cytokine) mà hiện nay chúng ta vẫn đang cố gắng giải mã các hoạt động của chúng. Các loại Interleukin (có hơn 10 loại), các yếu tố hoại tử khối u (nhiều loại), interferon (nhiều loại), v.v. được tiết bởi các đại thực bào, bạch cầu hạt đa nhân, tế bào T, tế bào B, tế bào sát thủ, tế bào hỗ trợ, tương bào.
Kho vũ khí của cơ thể có thể khiến quân đội Mỹ cũng phải ghen tị. Tiếc thay, chúng ta tuy là chủ sở hữu cơ thể nhưng vẫn chưa biết nhiều về những gì Đấng Tạo Hóa ban cho mình. Do đó, chúng ta quay về nhờ thiên nhiên giúp đỡ. Thiên nhiên dường như đã ẩn giấu một kho vũ khí khác cho chúng ta trong cây dừa: quả, nước, protein và dầu từ quả dừa. Ở đây có các yếu tố tăng trưởng, kháng viêm nhiễm, điều tiết đã sẵn sàng để chúng ta sử dụng. Hiện tại, đã có bằng chứng cho thấy dầu dừa ức chế các cytokine gây viêm (như IL-1, IL-6, IL-8) và kích thích các cytokine chống viêm (như IL-10). Phát hiện nhỏ này chỉ lý giải một phần tác dụng tốt của dầu dừa với rất nhiều loại bệnh lý.
“Nhà thuốc trong chai” là cách mà mọi người thường gọi dầu dừa ở Philippines, nơi đang “bùng nổ” phong trào người bệnh và người không quá ốm sử dụng dầu dừa để điều trị tất cả các loại bệnh lý, rồi đạt kết quả điều trị nhanh chóng đến bất ngờ. Hàng trăm, hàng ngàn trường hợp chứng thực đã thành công xuất hiện, kèm theo câu hỏi: “Làm sao để mua thêm dầu nguyên chất?” Cung khó có thể đuổi kịp cầu. Chương 9 của cuốn sách này là danh sách từ A đến Z các bệnh lý mà dầu dừa và các sản phẩm từ dừa khác có thể điều trị.
Bác sĩ Fife vẫn đang mời gọi các bằng chứng thực tế. Sau đây là một bằng chứng thực tế chưa có trong danh sách của ông: Anh họ và cũng là bạn học của tôi ở lớp Y khoa, Đại học Philippines khóa 1943 không thể dự họp lớp thường niên do mắc Hội chứng Sjogren – sự khô da và niêm mạc ở miệng, họng, mũi, mắt và trực tràng. Anh ấy phải uống nước mỗi khi nuốt vì thiếu nước bọt; phải nhỏ mắt mỗi giờ để bôi trơn mắt, phải tiếp ẩm cho da và môi để không bị nẻ. Ở một buổi họp lớp mà anh ấy tham gia, tôi đưa cho anh ấy vài lọ dầu dừa nguyên chất để uống 3 thìa đầy mỗi ngày. Tối hôm trước, anh ấy gọi cho tôi và nói rằng tình trạng đã cải thiện 80-90%. Anh ấy ăn ngon, tăng cân, da đã căng trở lại, mắt giờ chỉ cần nhỏ 2-3 giọt mỗi ngày. Dầu dừa tạo ra “phép mầu” này chỉ sau hai tháng.
Loại dầu thần kỳ này đã bị phỉ báng rất lâu, được coi là tác nhân gây bệnh tim do có thành phần chất béo bão hòa. Sự thật là những người sử dụng loại dầu này hằng ngày trong bữa ăn không mắc hoặc rất ít mắc bệnh tim – và không hề mắc ung thư, tiểu đường hay bất cứ bệnh mạn tính nào. Câu chuyện “Cuộc chiến với ung thư” (Chương 3) kể về một người phụ nữ mắc ung thư vú ác tính và kháng thuốc. Bà ấy không có tiền sử ung thư trong gia đình, kiêng dầu dừa, chất béo bão hòa và chỉ sử dụng những gì các bác sĩ của bà khuyên dùng – dầu đậu nành hydro hóa và dầu ngô. Liệu các dầu thực vật “tốt” có mặt trong Chương trình kim tự tháp thực phẩm có phải là thủ phạm thực sự của cuộc khủng hoảng sức khỏe, tiểu đường, bệnh tim, Alzheimer và ung thư tại Mỹ?
Kiến thức đến từ những thành công và thất bại. Cách dầu dừa tiêu diệt vi khuẩn và điều tiết các chức năng của cơ thể hay cách nó thất bại cần được nghiên cứu chuyên sâu và kỹ càng, còn cả một chặng đường nghiên cứu dài phía trước. Suy cho cùng, cái chúng ta cần hiểu hơn không phải là các bí ẩn của sự sống mà là cách sống khỏe hơn, để đến cuối đời (120-140 tuổi), chúng ta có thể chết trong khỏe mạnh.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
Chương 1: Người đàn ông kỳ diệu
Chương 2: Trái cây của sự sống
Chương 3: Tủ thuốc từ dừa I: Dầu dừa
Chương 4: Xét xử dầu dừa
Chương 5: Dầu dừa tốt cho tim mạch
Chương 6: Tủ thuốc từ dừa II: Cùi dừa, nước dừa và sữa dừa
Chương 7: Để sống hạnh phúc, khỏe mạnh và xinh đẹp
Chương 8: Quy trình, công thức pha chế và công thức nấu ăn
Chương 9: Các phương thuốc: Từ A đến Z
TRÍCH ĐOẠN SÁCH:
TRÁI CÂY CỦA SỰ SỐNG
Cây dừa thực sự là một kỳ quan tự nhiên của thiên nhiên, có hơn 1.000 cách sử dụng cây dừa. Tất cả các bộ phận của cây dừa đều có thể được dùng vào một mục đích nào đó. Từ loại cây này, bạn có thể sản xuất tất cả những gì cần thiết cho sự sống. Đây là nguồn thực phẩm và nước uống để nuôi cơ thể, là thuốc để duy trì và phục hồi sức khỏe, là nguyên vật liệu để xây nhà, làm quần áo, làm dụng cụ để phục vụ những nhu cầu tối cần thiết của cuộc sống. Tại Ấn Độ, cây dừa được gọi tên là “kalpa vriksha”, nghĩa là “cây đem lại tất cả những gì cần thiết cho sự sống”. Ở Philippines và Quần đảo Thái Bình Dương, nó được gọi là “cây sự sống”. Một số coi quả dừa là một loại hạt, số khác gọi nó là hạt giống. (Trong thực vật học, dừa được phân loại là hạt giống, không phải hạt. Nó là hạt giống lớn nhất được loài người biết đến còn tồn tại.)
Những người sống ở vùng nhiệt đới, dùng dừa hằng ngày coi nó là một loại quả, quả của cây sự sống. Vì lý do đó, cộng thêm giá trị dinh dưỡng và dược lý của quả dừa, đây xứng đáng được gọi là “trái cây của sự sống”.
Quả dừa quá đỗi quen thuộc ở vùng nhiệt đới. Dừa mọc khắp nơi. Cây dừa đã trở thành biểu tượng cho một hòn đảo thiên đường bình yên. Hầu hết những người không sống ở vùng nhiệt đới chưa bao giờ thấy cây dừa. Khi thấy dừa, họ sẽ tưởng tượng một cái hạt to, nâu, đầy lông thường thấy ở các siêu thị. Dừa trong thiên nhiên to hơn gấp đôi so với loại trong siêu thị và có lớp vỏ dày, mịn, màu xanh hoặc vàng. Lớp vỏ này được lột bỏ trước khi vận chuyển đi nước ngoài, chỉ còn có “hạt” nâu cứng thường thấy ở các cửa hàng ở ngoài vùng nhiệt đới.
Khác với đa số các cây có quả, cây dừa ra quả quanh năm, nghĩa là lúc nào cũng là mùa dừa. Quả dừa mọc từng buồng từ 5 đến 12 quả, thi thoảng nhiều hơn. Cây dừa trưởng thành sẽ sinh một buồng dừa mỗi tháng hay 12 buồng một năm. Một cây dừa có sản lượng tốt có thể cho 100 đến 140 quả dừa mỗi năm.
Quả dừa cần khoảng 14 tháng để chín hoàn toàn, hình thành lớp vỏ nâu cứng, có nước và lớp cùi trắng dày. Hương vị, kích cỡ và cấu trúc của cùi và nước dừa thay đổi theo mức độ chín của quả dừa. Một quả dừa non, ít hơn 6 tháng tuổi, sẽ chủ yếu là nước dừa, cùi thì rất ít. Ở giai đoạn này, cùi dừa (nội nhũ) mềm, giống rau câu và có thể ăn bằng thìa. Cả nước lẫn cùi dừa đều rất ngọt và ngon. Quả dừa sẽ đạt kích cỡ tối đa sau 6-7 tháng, nhưng cần thêm 6-7 tháng nữa thì mới chín hoàn toàn. Dừa càng già thì nước sẽ càng ít đi và cùi càng dày và cứng hơn. Ở khoảng tháng thứ 10-12 thì tỉ lệ nước và cùi đảo ngược. Dừa chín hoàn toàn có rất ít nước và lớp cùi dày cứng. Cả nước lẫn cùi giảm độ ngọt theo thời gian.
Dừa già là loại thường thấy ở các siêu thị. Tuy nhiên, dừa non (xanh) là thực phẩm được ưa chuộng hơn ở vùng nhiệt đới. Dừa chín thường được phơi khô ngoài nắng, cùi dừa phơi nắng được dùng để làm dầu. Cùi dừa tươi được chế biến thành sợi dừa, sữa dừa hay dầu dừa nguyên chất.
Dừa non thường có vỏ nâu nhạt, thay vì màu nâu sẫm của dừa chín, cũng dễ bổ và ăn hơn rất nhiều. Khi dừa chín, vỏ sẽ cứng lên, khó bổ hơn, thậm chí phải sử dụng búa. Nếu có kinh nghiệm, bạn có thể bổ đôi quả dừa bằng phần cùn của rựa.
Dừa có thể chế biến thành nhiều sản phẩm ăn được, phổ biến nhất là cùi, nước, sữa, kem và dầu. Các sản phẩm khác bao gồm đường, rượu và giấm. Cùi dừa là phần trắng ăn được của hạt. Nó thường được cắt nhỏ và sấy khô để bán. Cùi dừa tươi nhanh hỏng, khi sấy khô thì có thể giữ được nhiều tuần, lâu hơn nếu đóng hộp kín và để ở nơi mát, như cách dừa được bán ở các cửa hàng.
Hầu hết dừa khi được cắt nhỏ đều được thêm đường, cũng có loại không. Dầu dừa được lấy từ cùi dừa khô hoặc tươi. Nước trong quả dừa tươi thường hay bị nhầm là sữa dừa nhưng đấy là nước dừa, sữa dừa khác hoàn toàn. Nước và sữa dừa khác nhau về vị, hình dạng và giá trị dinh dưỡng. Sữa dừa được chế biến bằng cách ép nước từ cùi dừa. Nước dừa thường trong suốt hoặc hơi đục, giống như nước lọc, còn sữa dừa thì sẽ đặc và trắng như sữa bò.
Ngoài cùi, sữa, nước và dầu, cây dừa còn mang lại nhiều sản phẩm ăn được khác. Hoa dừa được sản xuất thành đường và rượu dừa. Phần ngọn hoa được cắt bỏ và nhựa được thu vào ống tre hoặc gáo dừa. Ở Philippines, nhựa dừa này được gọi là “tuba”. Mỗi ngày, vết cắt này có thể cung cấp đến 950ml nhựa. Để leo lên ngọn cây và thu hoạch nhựa dừa cần rất nhiều kỹ năng và sức khỏe.
Những người có khả năng đều cảm thấy kết quả xứng đáng với công sức mà họ bỏ ra. Để làm đường, nhựa được thu hoạch mỗi sáng và đun trong nồi to cho đến khi trở thành xi-rô đặc dính, rồi để nguội, cứng lại. Do không xử lý nhiều nên mỗi mẻ sẽ khác nhau về màu sắc, hương vị và độ ngọt. Đường có màu từ nâu nhạt đến nâu đậm.
Tùy theo thời gian đun, nhựa có thể sẽ mềm và dính như kẹo kéo hay cứng như kẹo cứng. Đường từ dừa thường được bán theo khối nhỏ. Khi ta ăn đường hay các loại carbohydrate khác, chúng được chuyển hóa thành glucose, thẩm thấu vào máu, làm tăng mức đường huyết hay mức glucose trong máu. Mức đường huyết cao có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Một thang đánh giá là chỉ số glycemic (Glycemic Index – GI) được dùng để đánh giá tốc độ tăng mức đường huyết sau khi các loại thức ăn được nạp vào cơ thể.
Thực phẩm được đánh giá từ 0 đến 100 theo thang chỉ số glycemic. Điểm của mỗi loại thực phẩm được lấy từ tốc độ tăng đường huyết của carbohydrate có trong thực phẩm. Số càng nhỏ thì ảnh hưởng của thực phẩm đến mức đường huyết càng ít.
Glucose khi uống được hấp thu rất nhanh vào máu và có điểm 100 trên thang chỉ số glycemic. Tất cả các thực phẩm khác được so với glucose, với điểm từ 0 đến 100. Thực phẩm không làm tăng đường huyết có điểm GI là 0. Dầu dừa chính là thực phẩm như vậy, có điểm GI là 0.
Chất béo, chất đạm, chất xơ và axit (như axit citric, nước chanh và giấm) trong thực phẩm làm giảm GI. Đa số các loại thực phẩm là sự kết hợp giữa chất carbohydrate, chất béo, chất đạm, chất xơ và axit, vì vậy, ta không thể đoán được mức GI trừ khi được kiểm tra. Ví dụ, khi đường (sucrose) được kết hợp với các nguyên liệu thực phẩm khác như kem, hạt và guar gum (một loại chất xơ dùng để cô đặc) để làm kem lạnh, chỉ số GI sẽ thấp hơn đường tinh.
Thử nghiệm chỉ số GI tại Đại học Sydney cho thấy chỉ số GI của đường từ dừa là 54, khá thấp so với các loại đường khác.
Có rất nhiều loại chất làm ngọt và chúng có chỉ số GI khác nhau. Đường dừa là một trong số ít chất làm ngọt ở trong nhóm “tốt”, nhóm có chỉ số GI từ 55 trở xuống. Dưới đây là chỉ số GI của một số chất làm ngọt phổ biến.
Nhựa dừa tươi giàu vitamin, khoáng chất và là nguồn thực phẩm quý giá ở những nơi khan hiếm hoa quả và rau củ, như vùng đảo san hô núi lửa. Nhựa lên men rất nhanh, ở vùng nhiệt đới ấm chỉ vài ngày là sẽ có khoảng 10% cồn. Loại rượu dừa này là đồ uống truyền thống ở nhiều vùng trên thế giới. Thi thoảng, nó được chưng cất để tăng nồng độ cồn. Ở Philippines, loại đồ uống được ưa chuộng này được gọi là lambanog và khá giống với vodka hay gin.
Do nước dừa có vị ngọt, người ta nghĩ nó cũng có thể lên men thành rượu. Nước dừa có rất ít đường, vì vậy tạo ra rất ít cồn. Nước dừa lên men thường được dùng làm giấm thay vì rượu.
Tải PDF tài liệu học tập đang trở thành lựa chọn phổ biến cho sinh viên và người đi làm nhờ tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Tài liệu PDF cung cấp nhiều nội dung từ sách PDF, tài liệu nghiên cứu, đến giáo trình chuyên ngành, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và truy cập trên các thiết bị số. Việc sử dụng tài liệu PDF không chỉ giúp tăng cường kiến thức mà còn hỗ trợ học tập và làm việc hiệu quả hơn.