Mẹ Do Thái Dạy Con Tự Lập
Giữa vô vàn phương pháp nuôi dạy con được giới thiệu trong xã hội hiện nay, hẳn bạn đã từng bối rối: Đâu là phương pháp phù hợp với tôi? Hãy bình tĩnh và giành chút thời gian để hồi tưởng lại toàn bộ quãng đời thơ ấu với lời dạy của mẹ, những câu chuyện cổ tích của bà, cùng toàn bộ những nét văn hóa dân tộc đã theo bạn tới tận ngày hôm nay, rất có thể câu trả lời sẽ dần hiển hiện. Đó chính là lời khuyên của Majorie Ingall – tác giả cuốn sách “Mẹ Do Thái Dạy Con Tự Lập”.
Bằng sự chiêm nghiệm từ những đặc điểm lịch sử, văn hóa của chính dân tộc mình và đặc biệt là bằng sự quan sát những giá trị trao truyền nổi bật từ các bà mẹ Do Thái, bà đã tự đúc kết nên chín giá trị cốt lõi cần vun đắp trong quá trình nuôi dạy trẻ. Thông qua những câu chuyện lịch sử, văn hóa vô cùng thú vị và giàu ý nghĩa của dân tộc Do Thái, kết hợp với lối lập luận sắc sảo nhưng không kém phần cởi mở, chân thành và hài hước, biên tập viên gạo cội của tờ Tablet đồng thời là cựu sinh viên Harvard đã lần lượt phân tích vai trò của từng giá trị đối với việc hình thành nhân cách trẻ con, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân bà trên con đường đầy chông gai nhưng cũng không kém phần vinh quang này. Song hành với tất cả những giá trị đó là một yếu tố thiết yếu luôn được nhấn mạnh xuyên suốt toàn bộ cuốn sách: Hãy là tấm gương phản ánh chân thực nhất mọi giá trị mà bạn muốn vun đắp nơi con trẻ.
Có thể bạn chưa biết, trong lịch sử phát triển của người Do Thái đã ghi nhận:
170 trong số 850 người giành giải Nobel
21% trong số các học viên của Liên đoàn Ivy (Ivy League)
26% trong số những người được vinh danh bởi Trung tâm Kennedy
37% trong số những đạo diễn được trao giải thưởng của Viện Hàn lâm
51% trong số những người đoạt giải Pulitzer ở mảng tiểu thuyết phi hư cấu.
Vậy điều gì đã làm lên sự kì diệu này?
Chính phương pháp nuôi dạy con kiểu Do Thái chính đã mang đến những thành công rực rỡ của người Do Thái.
Trích đoạn:
Nuôi dưỡng tính tự lập của con bạn
Khi Josie lên chín còn Maxie lên sau tuổi, tôi bắt đầu để hai cháu tự đi bộ đến trường. Nhà chúng tôi cách trường của hai cháu một khu phố và nằm phía bên kia đường. Vậy là để tới được trường các cháu sẽ phải đi bộ qua một đại lộ và sang đường một lần. Từ bậc tam cấp của khu phố nhà mình, tôi có thể quan sát cho đến khi các cháu đi đến góc phố và bắt đầu băng qua đường. Tôi cũng biết ở phía bên kia đường sẽ luôn có cô tình nguyện viên Tina đợi sẵn, để hỗ trợ các cháu.
Mọi người phản ứng với quyết định đó cứ như thể tôi đang đẩy con vào chỗ chết vậy. Các phụ huynh khác đã trách móc tôi khi nhìn thấy các con tôi tự đi bộ về nhà. Liệu gia đình tôi có đang gặp bi kịch hoặc vấn đề gì mà họ có thể giúp đỡ không? Chẳng lẽ tôi không sợ những chiếc ô-tô đang cua nhanh tới chóng mặt kia sẽ thổi bay mất chúng hay sao? Chẳng lẽ tôi không sợ bọn bắt cóc trẻ em sao? Có lần, người hỗ trợ trường học đã nhất quyết ngăn không cho Maxie rời tòa nhà, rồi gọi cho tôi bằng giọng đầy nghi hoặc và nói cô luôn coi sự an toàn của con tôi là ưu tiên hàng đầu. Đáp lại, tôi yêu cầu cô thả cho cháu tự đi về. Thật ra, tôi có lo lắng về vấn đề đó chứ. Và tôi còn lo lắng nhiều hơn sau khi Josie học hết lớp Năm và Maxie khi đó lên bảy phải bắt đầu tự đi một mình. Thế nhưng, tôi vẫn cố nén lòng lại và để các cháu tự đi học. Con đường rèn luyện để trở thành những khách bộ hành tự chủ của các cháu quả không hề bằng phẳng. Có lần, hai cháu trò chuyện hăng say nên đã không nhìn khi bước xuống phố. Một chiếc ô tô bóp còi và từ bên kia đại lộ, Tina hét toáng lên để báo cho chúng biết. Hai đứa vừa chạy ngược trở lại lề đường vừa thở dốc, và khi chúng sang được đến bên kia đường thì bị Tina mắng cho một trận. Lúc dắt hai cháu tới trường vào sáng hôm sau, Tina lại “sạc” cho tôi một tràng dài, không phải vì tôi đã để con tự đi bộ đến trường mà vì tôi đã không dạy chúng phải thật tập trung khi tự đi đường như vậy.
Lại có lần, tôi đã quên tới trường đón Maxie để đưa cháu tới trường học Do Thái như đã hẹn. Maxie đứng ở góc phố đợi tôi cùng với Tina trong tâm trạng hoang mang. Tôi vẫn nhớ mình đã đến trễ năm phút và phải chạy hết tốc lực để đưa con tới trường, rồi sau đó gọi điện xin lỗi Tina hết lời. Đáp lại cô dặn: “Lần sau hãy gọi cho tôi. Tôi sẽ ở cạnh Maxie hoặc đưa cháu quay lại trường.” Và thật quý hóa, cô còn cho tôi cả số điện thoại di động. Sau lần đó, tôi cho Maxie cầm chìa khóa nhà. Con bé thấy mình thật quan trọng và đáng tin cậy khi được phép cầm cái vòng leng keng ấy, còn tôi thì thấy an tâm vì xung quanh mình còn có những người lớn khác cũng đang che chở và bảo vệ cho con mình. Giống như cuốn Pirkei Avot, Đạo đức của những người cha (Pirkei Avot, Ethics of the Fathers) đã viết: Đừng tách bản thân mình ra khỏi cộng đồng. Tất cả chúng ta đều có thể giúp đỡ mọi người xung quanh và trông cậy vào sự giúp đỡ của họ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc khuyến khích phát triển chức năng điều hành ở trẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho chúng trong tương lai. Một người trưởng thành muốn thể hiện tốt năng lực, có những ý tưởng sáng tạo khi triển khai dự án, sắp xếp hợp lý quỹ thời gian của bản thân và phối hợp tốt với những người khác, cần phải có chức năng điều hành tốt. Con chúng ta cũng sẽ hạnh phúc hơn khi chúng biết tự lập. Theo một nghiên cứu năm 2011 của Đại học Bắc Carolina, những trẻ bị cha mẹ chỉ đạo trong lúc chơi (như bày cho chúng cách chơi bộ xếp hình lego, khuyến khích chúng đếm số hình vuông trong trò Candyland) có những cảm xúc tiêu cực nhiều hơn so với những trẻ được cha mẹ để cho chơi tự nhiên. Theo phát hiện trong một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Missouri, nếu cha mẹ cứ kè kè bên con, trẻ sẽ chơi kém chủ động hơn so với khi chúng được chơi tự do. Và những phát hiện này đúng với cả các sinh viên đại học. Theo một nghiên cứu do Holly Schiffrin tại Đại học Mary Washington thuộc bang Virginia tiến hành: “Các sinh viên có cha mẹ kiểm soát quá mức thường có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn rất nhiều và mức độ thỏa mãn với cuộc sống ít hơn so với những sinh viên khác.” Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, các sinh viên đại học bị cha mẹ can thiệp quá mức vào đời sống thường có xu hướng tự đánh giá thấp năng lực và khả năng xử lý căng thẳng của bản thân, đồng thời có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn. Vậy thì, hỡi những ông bố bà mẹ, các vị hãy tránh sang một bên cho tôi nhờ! Với tư cách là cha mẹ, chúng ta phải từ từ tháo bỏ sự kiểm soát đối với con. Có một mối quan hệ mật thiết giữa những ông bố bà mẹ bao bọc con quá mức và những đứa trẻ có nguy cơ bị trầm cảm hoặc bị bắt nạt. Khi không để con tự lập nghĩa là chúng ta đã tước đi của con cơ hội được tận hưởng cảm giác tự chủ và tự hào về khả năng giải quyết tình huống của bản thân.
Người Do Thái coi trọng tính tự lập tới mức nào
Nếu chiếu theo khuôn mẫu của các bà mẹ Do Thái, chúng tôi sẽ là người nuông chiều và bao bọc con quá mức. Thế nhưng trong lịch sử, chúng tôi lại là những người khá giỏi khích lệ con tự phấn đấu khi chúng bước vào thế giới. Sách Babylonian Talmud cổ đại có nói, cha mẹ có ba nhiệm vụ khi nuôi dạy con: Dạy con Ngũ Thư (Torah); dạy con cách kiếm sống; và dạy con biết bơi. “Tại sao vậy?” Cuốn sách truy vấn: “Bởi vì những điều đó có thể sẽ hữu ích cho chúng sau này.” Hiểu nôm na là bạn không thể lúc nào cũng có mặt bên con để cứu giúp chúng. Hãy dạy con kiểu bơi đơn giản nhất, rồi để chúng tự xoay xở trong đại dương mênh mông. May mắn thay, đạo Do Thái của chúng ta có nghi thức để đánh giá tính tự lập ở trẻ từ khá sớm: Đến tuổi mười hai hoặc mười ba, một đứa trẻ có nghĩa vụ phải tuân thủ mọi lời răn dạy trong Ngũ Thư. Khi đó, gia đình và cộng đồng xung quanh sẽ cùng nhau tụ họp để nói với em: “Chúng ta đón nhận con với tư cách một người lớn, cùng tất cả những quyền lợi và trách nhiệm mà tư cách ấy ràng buộc con.” Tất nhiên, chúng ta chưa thực sự tin những đứa trẻ mới mười ba tuổi này đã thực sự là những người trưởng thành. Nhưng nghi thức ấy trước hết như một lời thông báo tới đứa trẻ, tới gia đình em và tới toàn thế giới: Trước mắt họ giờ đây không còn là hình ảnh một đứa trẻ nhỏ bé mải chơi vô lo vô nghĩ, không có khả năng tự lập và chưa thể tin cẩn nữa; sau cùng là cách để gia đình em đứng lên trước cộng đồng và nói: “Hãy nhìn đi! Chúng tôi đã tạo nên một người biết chịu trách nhiệm!” Thế nhưng ngày nay, các bậc cha mẹ Do Thái đôi lúc cũng lại quên mất tính tự lập quan trọng tới mức nào tới từng đứa trẻ. Họ sẽ thường ra tay cứu giúp con ngay từ giây phút chúng mới nếm trải chút ít khó khăn. Còn bản thân họ nhìn chung đều thấy may mắn vì đã có đủ khả năng để hỗ trợ con cả về tâm lý lẫn kinh tế. Tuy nhiên, không phải thế hệ người Do Thái nào cũng có được may mắn ấy. Trong quá khứ, chúng ta đâu có được cái quyền nạt nộ giáo viên rồi bắt họ phải cho “cục cưng” của mình điểm A+, cũng chẳng có đủ vốn hiểu biết về nghề nghiệp để kiếm cho con những suất thực tập chỉ nằm mơ mới thấy. Chúng ta từng không có trong tay lấy một sợi dây liên kết, từng không thể tham gia vào việc học ở trường của con vì không biết nói thứ ngôn ngữ đa số; con cái chúng ta có lẽ cũng từng không đạt thành tích cao trong học tập vì còn phải làm việc phụ giúp gia đình. Trong những năm tháng ấy, người Do Thái chúng ta đâu có được mối liên kết mà thế hệ người Do Thái ngày nay đang nắm giữ. Giờ đây có khi chúng ta còn điều hành cả ngân hàng và báo chí toàn cầu không biết chừng. Vậy thì rõ là lớn lên trong môi trường đầy rẫy những cuộc trục xuất, tàn sát và cả thảm họa diệt chủng, thì chúng ta sẽ nhận thức rõ ràng về sự khác biệt giữa những nỗi sợ thực tế và những nỗi sợ tưởng tượng. Các hiểm họa sinh tồn hiển hiện thường trực hằng ngày sẽ dạy cho bạn biết cách bỏ qua những điều vụn vặt.
Tự lập là liểu thuốc miễn dịch cho bệnh hẹp hòi và suy nghĩ thiển cận
Mặc dù trong lịch sử thế giới, chủ nghĩa bài Do Thái vẫn luôn hiện hữu kể từ khi những người Do Thái đầu tiên xuất hiện, song vẫn có những giai đoạn cộng đồng của chúng ta được hòa nhập vào thế giới rộng lớn bên ngoài và tận hưởng nó. Vào thế kỷ XVI và XVII, người Do Thái cũng được chào đón ở thế giới đạo Hồi. Ở thế kỷ XVIII, các đô thị của Ba Lan rất kiêu hãnh vì có những công dân Do Thái đầy sáng tạo và am tường văn hóa; tới thế kỷ XIX, người Đức gốc Do Thái phát triển mạnh mẽ trong suốt Thời đại Ánh sáng. Trong những thời kỳ thịnh vượng ấy luôn dấy lên câu hỏi: “Đâu là bản sắc của người Do Thái?”. Vậy là không chỉ ngày nay mà trong quá khứ, dân tộc chúng ta cũng đã từng phải “đau đầu” với câu hỏi định danh hóc búa này. Tôi sẽ tranh biện rằng trong thế giới hiện đại đa dạng và đa văn hóa ngày nay, dạy con tính tự lập, có chính kiến và biết chấp nhận những rủi ro thường tình là điều tối quan trọng. Trong cuộc sống đương đại, khả năng làm quen, học hỏi và làm việc cùng những con người khác biệt là một niềm vui to lớn, song buồn thay cũng lại là một thử thách không hề nhỏ. Khi bạn dạy trẻ biết sống độc lập, chúng sẽ luôn hiếu kỳ về thế giới rộng lớn bên ngoài, luôn hào hứng khám phá và sẵn sàng nhìn nhận mọi việc bằng nhãn quan đa chiều. Đạo Do Thái dạy chúng ta rằng việc đặt câu hỏi quan trọng hơn việc đưa ra câu trả lời. Isidor Isaac Rabi là người Do Thái, từng đoạt giải Nobel Vật lý năm 1944 vì công trình phát hiện cộng hưởng từ hạt nhân, đã ca ngợi những đóng góp của người mẹ đối với thành công của ông. Gia đình Rabi là những người nhập cư nghèo khó sống ở khu ổ chuột vùng Lower East Side: Cha ông là một nhân công không có tay nghề, mẹ ông là nội trợ. Thế nhưng ông vẫn trở thành một trong những nhà vật lý vĩ đại nhất trong lịch sử. Có lần ông kể: “Mẹ đã biến tôi thành một nhà khoa học. Thường thì sau giờ tan học, tất cả các bà mẹ Do Thái khác ở Brooklyn sẽ hỏi con họ: ‘Nào, hôm nay ở trường con có học hỏi được gì không?’ Nhưng mẹ tôi thì lại hỏi: ‘Rabi, hôm nay con có đặt được câu hỏi hay nào không?’ Vậy là nhờ biết đặt những câu hỏi hay mà tôi đã trở nên rất khác biệt và trở thành một nhà khoa học.” Đối với các bậc cha mẹ, việc khuyến khích trẻ đặt câu hỏi và tự suy nghĩ vừa là cách để cho con thấy chính họ cũng đang hướng ý nghĩ vào cuộc sống hiện tại, vừa là cách để hối thúc con tự tìm hướng đi riêng. Về phần những đứa trẻ, khi được khuyến khích đặt câu hỏi chúng sẽ hiểu: Trước hết là không nhất thiết phải đưa ra ngay câu trả lời đúng; thứ hai là nên tìm hiểu thêm thông tin để nắm được vấn đề một cách thông suốt; thứ ba là những suy nghĩ sáng tạo và tư duy mang đậm bản sắc cá nhân còn giá trị hơn những câu ‘gạo bài’ thuần túy.
Bỏ ngoài tai những thông điệp chỉ trích từ xã hội
Xã hội ngoài kia sẽ luôn phủ nhận lối nuôi dạy con của bạn, bất kể bạn có chọn phương pháp nào chăng nữa. Họ chỉ chăm chăm soi mói những lúc lũ trẻ bộc lộ khuyết điểm, mà không cần biết rằng chúng cũng chỉ là “người trần mắt thịt”. Giả dụ, một gia đình có đứa trẻ chẳng may kích hoạt chuông báo trộm khi cha mẹ nó không có nhà. Nó hoảng loạn, vừa gào khóc vừa gọi cho cha (mẹ), rồi dập máy, rồi lại gọi lại và còn nức nở to hơn. Tiếng chuông đã làm nó bị tê liệt hoàn toàn và khiếp sợ tới nỗi KHÔNG SAO ẤN NỔI CÁI NÚT TẮT CHUÔNG, bất kể lúc đó cha (mẹ) nó có bình tĩnh đọc cho nó mã số tới bao nhiêu lần chăng nữa. Một ví dụ mỉa mai khác là một gia đình có đứa bé chưa đến ba tuổi cứ cố hết sức đánh vào người đứa lớn rồi vừa bỏ chạy vừa hét toáng lên: “Con còn bé mà!”. Và tất nhiên, nó chẳng hiểu tí gì về hành động ấy! Trong nền văn hóa phương Tây, dù bạn có đức tin hoặc góc nhìn thế nào chăng nữa, thì bạn vẫn bị tiêm nhiễm sẵn tâm lý lo sợ mình sẽ thường xuyên gặp thất bại. Bạn muốn có cuộc sống riêng nhưng lại coi việc mình phải có mặt trong mọi buổi hẹn với nha sĩ hoặc những trận đấu ở trường của con như một nghĩa vụ hiển nhiên. Bạn muốn mình trông phải thật rạng ngời, hài hòa và mảnh mai nhưng lại không được toát ra vẻ tự mãn hoặc quá lên gân lên cốt. Bạn muốn mình phải ân cần, chu đáo nhưng không bao giờ được đi quá đà tới mức tước đoạt hết không gian riêng của con. Không bao giờ có sự hoàn hảo vĩnh cửu. “Tốt vừa đủ” luôn đòi hỏi nhiều hơn sự “vừa đủ tốt”.
Tải PDF tài liệu học tập đang trở thành lựa chọn phổ biến cho sinh viên và người đi làm nhờ tính tiện lợi và tiết kiệm thời gian. Tài liệu PDF cung cấp nhiều nội dung từ sách PDF, tài liệu nghiên cứu, đến giáo trình chuyên ngành, giúp người dùng dễ dàng lưu trữ và truy cập trên các thiết bị số. Việc sử dụng tài liệu PDF không chỉ giúp tăng cường kiến thức mà còn hỗ trợ học tập và làm việc hiệu quả hơn.